Trọng tài gây tranh cãi, FIFA hướng dẫn xử lý thế nào?
Vấn đề trọng tài luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất của không chỉ bóng đá Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những quyết định sai lầm, gây tranh cãi của các "vua áo đen" không chỉ ảnh hưởng đến kết quả trận đấu mà còn tác động lớn đến tinh thần của cầu thủ, huấn luyện viên và người hâm mộ. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là: FIFA, tổ chức quyền lực nhất của bóng đá thế giới, xử lý các sai phạm của trọng tài như thế nào?
Theo nguyên tắc, FIFA không bắt buộc công khai các án phạt dành cho trọng tài. Khác với việc công bố rộng rãi các án phạt dành cho cầu thủ hay huấn luyện viên, việc xử lý sai phạm của trọng tài thường được thực hiện theo cách “không phân công làm nhiệm vụ” thay vì “phạt”.

Bên cạnh đó, theo mục 13 Quy định về tổ chức trọng tài ở các Hiệp hội thành viên FIFA, Ban Trọng tài có trách nhiệm xem xét thăng hạng hoặc giáng hạng các trọng tài vào cuối mùa giải. Việc bị giáng hạng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín mà còn tác động trực tiếp đến thu nhập của các trọng tài.
Một vấn đề khác được đặt ra là vai trò của Ban Kỷ luật FIFA trong việc xử lý sai phạm trọng tài. Theo hướng dẫn của FIFA, Ban Kỷ luật chỉ có trách nhiệm xem xét, chỉnh sửa các án phạt mà trọng tài đưa ra, chứ không có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm phạt chính các trọng tài. Ví dụ như việc Ban kỷ luật VFF vừa đưa ra án phạt bổ sung cho HLV Văn Sỹ Sơn.
Các CLB V.League khốn khổ, Ban trọng tài có lắng nghe?
Thời gian vừa qua, công tác trọng tài V.League trở thành chủ đề nóng. Từ Thanh Hóa, Đà Nẵng và mới nhất là Quảng Nam, các CLB bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ về công tác trọng tài. Ngay cả HLV Đức Thắng, một người khá điềm tĩnh trên sân cỏ hôm qua cũng có phản ứng vô cùng gay gắt trong trận đấu Thể Công Viettel gặp CAHN để rồi phải nhận thẻ vàng. Vị chiến lược gia gốc Hà Nội vô cùng bức xúc khi cho rằng học Amarildo bị Đình Trọng phạm lỗi nhưng trọng tài bỏ qua.
Tính riêng tại vòng 13 đã có 5 HLV và một vài trợ lý phải nhận thẻ phạt vì lỗi phản ứng. Trong đó có 3 người bị cấm chỉ đạo vòng tới gồm HLV Văn Sỹ Sơn (Quảng Nam), Lê Đức Tuấn (Đà Nẵng) và Đức Thắng (Viettel). Khi tất cả cùng lên tiếng, Ban trọng tài VFF phải có trách nhiệm cải thiện tình hình.

Nhiều năm qua, vấn đề trọng tài gây nhức nhối, khiến các đội bóng bị ảnh hưởng, giảm động lực thi đấu, các ông bầu bức xúc… Nhưng chưa có bất kỳ một động thái nhận trách nhiệm hay cải thiện tình hình nào. Các trọng tài gây tranh cãi có thể nghỉ làm nhiệm vụ vài vòng đấu rồi trở lại.
FIFA không đưa ra quy định cụ thể, tuy nhiên, nhiều giải đấu lớn trên thế giới vẫn chủ động tìm ra giải pháp để cải thiện vấn đề "cầm cân nảy mực".
Đưa ra ví dụ tại Ngoại Hạng Anh - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh - nơi mà "vua áo đen" cũng có nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra, Ban trọng tài sẵn sàng đưa ra lời giải thích công khai và rất chi tiết. Thậm chí, trưởng ban trọng tài (Hiệp hội trọng tài chuyên nghiệp Anh) Howard Webb còn đích thân đưa ra lời xin lỗi khi trọng tài sai sót.
Tại mục I, điều 7 trong "Quy định đăng ký và kiểm soát trọng tài" của Ngoại Hạng Anh ghi rõ: "Ủy ban trọng tài có quyền đình chỉ trọng tài làm nhiệm vụ ngay lập tức nếu bị cáo buộc có sai phạm, hoặc trong quá trình xử lý và làm rõ cáo buộc". Điều này buộc những người đứng đầu phải làm rõ tranh cãi trước khi đăng ký trọng tài cho vòng đấu kế tiếp.
Trong khi đó, Trưởng Ban Trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ chỉ đưa ra lời phát biểu chung chung sau vòng 13: "Các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến kết quả trận đấu đều chính xác”. Điều này khiến các CLB càng bức xúc.
Kết quả trận đấu là điều không thể thay đổi, tuy nhiên, điều mà các CLB V.League mong muốn đó là sự minh bạch hơn trong cách điều hành công tác trọng tài.